Thái tử Lý_Thừa_Càn

Năm 626, Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng đế sau khi giết anh trai là Thái tử Lý Kiến Thành và em trai là Tề vương Lý Nguyên Cát trong Sự biến Huyền Vũ môn, Trưởng Tôn thị được phong Hoàng hậu. Với thân phận là con đích trưởng cao quý, 7 tuổi Lý Thừa Càn được cha phong ngay làm Hoàng thái tử.

Lý Thừa Càn được sử gia nhận xét thông minh bản tính, phong thái anh tuấn, được Thái Tông vô cùng yêu quý. Khi đó, thầy của Thừa Càn là Lý Cương (李綱) có tật không thể đi đứng, chỉ có thể ngồi kiệu đến giảng học cho Thái tử. Thừa Càn đã tự mình nghênh tiếp thầy giáo, thái độ cực kì cung kính. Sau khi Lý Cương qua đời, Thái tử còn đích thân lập bia mộ cho ông[6][7].

Năm 630, nhằm tôn vinh công trạng của đại thần Đỗ Như Hối (杜如晦), Thái Tông ngầm cho Thừa Càn đến thăm Như Hối khi ông bị bệnh. Cũng trong năm đó, Thái Tông trao cho ông quyền xử lý các kháng cáo pháp lý đòi hỏi phúc thẩm những phán quyết của Thượng thư tỉnh (尚書省), tạo dựng một mối quan hệ phúc phẩm giữa cơ quan trung ương nhà nước và Hoàng đế. Đại thần Lý Cương và Tiêu Vũ (蕭瑀) được phân đến hỗ trợ Thái tử xử lý công việc, mỗi khi Thái tử nghe việc chính sự, đều do 2 người này cùng Phòng Huyền Linh giúp đỡ.

Năm 631, Thái tử tổ chức lễ trưởng thành. Cùng năm đó thì ông bị bệnh, Thái Tông muôn phần lo lắng. Trước đây, Thái Tông không ưa Phật giáoĐạo giáo, cho rằng mê tín, thế nhưng sau khi nghe phương thức cầu đảo của Đạo gia, bèn mời ngay Đạo sĩ Tần Anh (秦英) đến cầu đảo. Thái tử khỏi bệnh, Thái Tông vui mừng, bèn sai 3 người xuất gia, rồi nhân đó cho tu sửa Tây Hoa quánPhổ Quang tự[8].

Năm 633, Thái tử Thừa Càn lại sinh bệnh. Thái Tông lo lắng mệnh cao tăng Tây Trúc cầu đảo ngày đêm, phù hộ độ trì cho Thái tử. Nhanh chóng sau đó, Thái tử khỏi bệnh, Thái Tông vui mừng thưởng cho các cao tăng lụa là, gấm vóc. Nhân sợ Thái tử quá khổ cực trau dồi kiến thức, Thái Tông lệnh không cho Thái tử đọc sách quá nhiều, mà chỉ cần cùng Khổng Dĩnh Đạt nói chuyện về tiền nhân xưa. Tuy vậy, Thừa Càn không những không tự cao tự đại, bỏ bê việc học, trái lại còn trau dồi cao hơn khả năng kinh bang tế thế. Có lần, Thái Tông thử hỏi ông về kế sách trị nước, ông liền viết ngay 3 trang giấy, nội dung lấy pháp luật làm trọng, là điều căn bản chính yếu của việc an bang tế thế. Đường Thái Tông đọc xong, phi thường vui mừng, không ngớt lời khen ông trước bá quan văn võ[9].

Năm 635, ông thành thân với Tô thị, con gái của Tô Đản (苏亶), cháu gái của đại thần nhà Tùy là Tô Uy (苏威). Cùng năm đó, Thái thượng hoàng băng hà, Thái Tông bận việc lo tang lễ mà chểnh mảng việc triều chính. Khi đó, Thái tử Lý Thừa Càn được mệnh giám quốc, quản lý việc lớn nhỏ trong triều. Sau khi tang lễ đã lo chu đáo, Thái Tông trở lại nắm quyền, nhưng Thái tử vẫn được giao những việc quốc sự nhỏ. Từ đó về sau, mỗi khi Thái Tông rời khỏi Trường An, Thái tử đều được giao việc giám quốc.

Năm 636, khi được 17 tuổi, mẹ của Thừa Càn là Trưởng Tôn Hoàng hậu lâm bệnh nặng. Ông kiến nghị với mẹ đưa ra đại xá thiên hạ và khuyến khích muôn dân đi tu theo Phật giáoĐạo giáo nhằm hưởng thánh ân. Hoàng hậu không đồng ý, vì biết rằng Thái Tông không cho phép Đạo giáo và Phật giáo lưu hành rộng rãi. Thái tử Thừa Càn sau đó bàn bạc với Phòng Huyền Linh để ông đưa ra kiến nghị với Hoàng đế. Thái Tông muốn đại xá thiên hạ, nhưng bị Trưởng Tôn Hoàng hậu ngăn cản. Năm đó, Hoàng hậu qua đời.